Chap có quen một số người bạn Phật tử trẻ tuổi chưa xuất gia nhưng tu tập khá nghiêm mật. Các bạn ăn theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa số 7 với chỉ gạo lứt và muối mè. Ngoài thời gian làm việc, các bạn tranh thủ ngồi thiền trong một góc nhỏ tại cơ quan. Một số bạn trong đó ngủ rất ít và cũng dành phần lớn thời gian ban đêm để ngồi thiền. Chap không lạ với lối sống mà các bạn lựa chọn, nhưng với nhiều người thì đó quả là một điều kỳ quặc. Những người dù lớn tuổi cũng phải thốt lên rằng: “Tại sao người ta phải làm khổ mình vậy nhỉ? Còn trẻ tuổi mà sống như vậy thì thật là đáng phí!”. Các bạn ấy chỉ mỉm cười.
Ít ai nói những điều này với Chap bởi thường Chap không tạo sự khác biệt quá lớn giữa mình với mọi người. Song đôi khi, cũng có người biết Chap ăn chay thì khuyên nhủ: “Thi thoảng bạn cũng nên đổi món (ý là ăn mặn) chứ, bao nhiêu đồ ngon như vậy không ăn được thì tiếc quá!”, hay là: “Thôi để về già ăn chay, ngồi thiền cũng được, tuổi này thì cứ ăn chơi đi, còn hưởng thụ cuộc đời nữa chứ, tội gì phải khổ!”. Chap cũng chỉ mỉm cười.
Thực ra, tất cả mọi việc chúng ta làm trong cuộc sống đều xuất phát từ một lí do nào đó. Dù là lí do nào đi chăng nữa thì điều đó ít nhất cũng phù hợp, thỏa mãn hay đem lại lợi ích cho bản thân ta, thậm chí là cho cả người khác. Còn có thể chia sẻ với các bạn những dòng này, chắc Chap không bị liệt vào đối tượng chỉ thích “nhặt lá, đá ống bơ” chứ nhỉ? Bởi chỉ có những người đã mất kiểm soát về ý thức của mình mới có thể rơi vào tình trạng như vậy và hành động một cách vô thức, không có lí do, không có chủ đích. Nói như vậy để các bạn thấy rằng không phải vô duyên vô cớ mà Chap và một số bạn Chap kể trên, cùng nhiều người khác nữa, lại lựa chọn một lối sống, có thể là không giống với đại đa số mọi người, có thể là đang tự làm khổ mình như thế. Chỉ là bởi bạn chưa rõ lí do của chúng mình. Bởi vậy, điều bạn có thể làm trước hết, thay vì vội vã đưa ra đánh giá, phán xét hay cố gắng thuyết phục người ấy sống theo cách nghĩ của mình, đó là thể hiện sự cảm thông: “À, có lẽ họ làm vậy vì một lí do nào đó mà mình chưa biết được”. Như vậy thì chúng mình mới chia sẻ với bạn về lí do ấy được chứ!
Tại sao phải ăn chay kham khổ trong khi con vật sinh ra là để làm thức ăn cho con người và món ăn từ chúng thì thật là hấp dẫn? Thay vì dành hàng giờ liền để ngồi im lìm một chỗ, tại sao người ta không sử dụng thời gian ấy cho những thú vui khác? Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Nó cũng xuất phát từ chính nhu cầu tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống của bất kỳ ai có mặt trên đời. Đã mất công sinh ra thì phải sống sao cho vui vẻ. Có ai muốn cuộc đời mình chìm đắm mãi trong những khổ đau. Thế nhưng, bởi cách nhìn nhận về khổ đau cũng như hạnh phúc nơi mỗi người mỗi khác nên con đường chúng ta đi cũng không ai giống ai. Ăn chay, thiền và hàng tá điều tưởng chừng như kỳ quặc và chán ngắt khác, về bản chất, cũng chỉ là việc con người ta chọn lấy một cách thức để đạt được bình yên và hạnh phúc trong cuộc đời.
Bạn có để ý không? Tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống, cách ta nhìn đời và cư xử với mọi người vốn dĩ đều do sự chỉ huy của tâm. Bạn muốn ăn ngon, chẳng phải đây là đòi hỏi từ tâm bạn đó sao? Nhiều khi biết món ăn ấy bất lợi cho sức khỏe nhưng tâm lại cứ muốn ăn và chỉ huy tay bạn phải hành động bằng được. Nếu trong tâm không khởi lên điều gì, ăn món này hay món kia cũng giống nhau, miễn sao đảm bảo được sức khỏe, thì chúng ta đã đỡ phải khổ sở đấu tranh giữa tình cảm với lý trí trong mình rồi. Bạn có thể cho đó là chuyện bình thường nhưng nếu nhìn sâu thêm một chút nữa thì bạn sẽ thấy biểu hiện bất an này của tâm cũng đáng để chúng ta quan tâm hơn đấy.
Trạng thái tâm bất an thường đi kèm với những biểu hiện cảm xúc lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và nhiều vấn đề tâm lý khác. Từ đây, nó kéo theo vô vàn những rắc rối, khó khăn đến với cuộc sống của chúng ta. Chỉ vì những giận dỗi vô cớ mà bạn và người mình yêu thương phải “chiến tranh” với nhau. Sự thiếu tự tin khiến cho các nhà tuyển dụng đánh giá bạn thấp hơn so với năng lực thực sự mà bạn có. Bởi không đủ kiên nhẫn mà việc chờ đợi 30 giây đèn đỏ cũng là cả một vấn đề. Bạn thấy đấy mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi có sự can thiệp từ những trạng thái, biểu hiện khác nhau của tâm chúng ta.
Từ điều này, có lẽ bạn sẽ không còn phải ngạc nhiên nhiều nữa về những người ăn chay, ngồi thiền hay làm nhiều điều có vẻ kỳ quặc và khổ sở khác. Bởi đó chỉ là những cách thực tập để rèn luyện tâm, khiến nó an lại. Tâm có an thì vạn sự mới an. Tâm bình thì thế giới mới bình.
Sự an lạc này không thể có mặt khi tâm vẫn còn bị hấp dẫn trước các thú vui vật chất hay những mong cầu về tinh thần khác. Bởi vậy, người ta tiết chế các xáo động bằng cách sống một đời sống đơn giản và thanh đạm. Chẳng hạn, việc ăn chay sẽ phần nào giúp kiểm soát lòng dục, làm tăng tình yêu thương, khả năng đồng cảm giữa người với người, người với các loài vật. Tình yêu càng lớn cũng đồng nghĩa rằng những cáu bẳn, ức chế, bất mãn trong lòng chúng ta được vơi đi dần.
Thiền lại là cách để luyện tập cho tâm khỏi lăng xăng, bám víu vào các cảnh bên ngoài. Bằng khả năng “giữ chân” các suy nghĩ, thiền giúp con người ta tập trung hơn vào những gì đang thực sự diễn ra và nhìn nhận vạn vật đúng với những gì nó vốn có. Khi bạn ăn, bạn sẽ chỉ ý thức việc nhai, nuốt, chứ không còn bị chi phối vào những ý nghĩ đánh giá món ăn ngon hay dở. Khi bạn phải chờ đợi ai đó, bạn cũng sẽ chỉ biết mình đang chờ đợi mà không thêm vào sự sốt ruột hay bực tức. Nếu có khả năng làm bất kỳ việc gì cũng với tâm thế ấy, cuộc sống của bạn hẳn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bạn thấy không, sự trong lặng của tâm cũng đáng để chúng ta quan tâm đấy chứ?
Bởi vậy, nếu bạn từng chứng kiến đời sống thanh đạm của một ai đó thì đừng vội đưa ra kết luận hay so sánh khổ vui với cuộc sống mình đang có. Chúng ta sẽ không thể biết rằng họ đang sống trong hạnh phúc hay đau khổ trừ khi trực tiếp cảm nghiệm những gì có mặt trong tâm họ.
Trong vui có khổ, trong khổ lại tìm thấy niềm vui. Đó vẫn là sự khác biệt nhau trong nhận thức về khổ đau và hạnh phúc của mỗi người. Ai rồi cũng có cho mình một sự lựa chọn để đạt tới mục tiêu về một đời sống thật nhiều ý nghĩa. Nhưng hãy chắc rằng lựa chọn đó không có chỗ cho sự “hối hận”. Và Chap thì có thể quả quyết rằng việc ăn chay, thiền và tất cả những việc làm được cho là không giống với đa số mọi người, mà Chap vẫn thực hiện mỗi ngày, đã tạo nên một thứ niềm tin không thể nào lay chuyển trong mình về một đời sống an lành và hạnh phúc, từ tất cả những gì chúng tạo ra và biểu hiện nơi tâm Chap.
Chap Zen