Một Tấm Gương Sáng Về Lòng Tin Kiên Định Vào Đại Nguyện Của Phật A Di Đà

05 Tháng Sáu 201612:27 CH(Xem: 3559)
Một Tấm Gương Sáng Về Lòng Tin Kiên Định Vào Đại Nguyện Của Phật A Di Đà

Có một lần và là lần rất hiếm hoi , tôi ngồi trò chuyện với vài vị sư thư , mới biết hoàn cảnh và việc làm bất bình thường của Lâm sư thư của chúng tôi. Các vị sư thư ấy cười mà nói với tôi: “Lâm sư thư của các vị ấy à! Hồi trước là một cô gái rất yếu đuối. Khi chồng chị còn sống, mọi sự chị đều nhờ vào chồng. Tình chồng vợ của họ vô cùng tốt đẹp. Lâm sư thư rất phóng tứ, trước mặt mọi người, chị đều dùng tiếng Anh gọi chồng là “honey” (mật ngọt, cưng yêu). Xã hội Trung Quốc còn bảo thủ, có người nghe chị cứ mở miệng là nói “honey” với chồng, thì đều bảo chị quá phóng tứ, quá lố lăng. Đâu biết rằng Lâm sư thư của các vị thì kiên cường không ngờ được, đồng thời tín tâm niệm Phật của chị cũng kiên định không ngờ được”. Chuyện kể đại khái trước đây, khi chồng chị còn sống chị vẫn chưa quyết tâm học Phật, nhưng cũng đã nghe qua pháp môn niệm Phật và sự trợ niệm lâm chung. Lý sư thư kể rằng hôm chồng của Lâm sư thư bị tai nạn xe, gia đình nghe tin liền cùng chị đến hiện trường. Anh Lâm đã chết tại chỗ, nằm trên vũng máu, người ngoài nhìn vào còn rất đau lòng, huống chi là Lâm sư thư ? Nhưng không ngờ, bên cạnh di thể của chồng, chị nói một câu rất khẩn thiết : “Honey! Anh mau niệm Phật! Hãy theo Đức Phật A Di Đà mà đến Tây Phương, mọi sự đều có em lo liệu, em sẽ chăm sóc mẹ và các con. Anh cứ an tâm, mọi sự hãy để em lo!” Nói xong, chị khoanh chân ngồi rất an định tại hiện trường ở trên đường mà niệm Phật, từng tiếng rất khẩn thiết. 

Cả gia đình của Lâm sư thư đều đến trợ niệm nhưng không ai ngờ chị lại trấn định như thế, tin tưởng lòng đại từ đại bi, cứu độ chúng sanh của Đức Phật A Di Đà. Lòng tin thâm sâu chân chính này khiến cho chị không bị hoàn cảnh đánh ngã, không bị tình riêng động loạn, mà chỉ nhằm để chồng an tâm theo Đức Phật A Di Đà về thế giới Cực Lạc. Lý sư thư lại nói: “Khi cảnh sát đến điều tra xử lý, họ không thấy ai kêu trời kêu đất, chỉ thấy mọi người đều niệm Phật” thì ngạc nhiên hỏi: “Trong các vị ai là thân nhân của người chết?”Lâm sư thư vẫn kiên định niệm Phật. Khi mọi việc đã xong, Lý sư thư mới hỏi chị: “Này Lâm sư thư! Vì sao ngay lúc đó chị có thể nói được những lời trấn định như vậy?”

Nếu bình thường có chuẩn bị tốt, đến lúc đó trước cảnh tượng ấy cũng không thể thốt ra lời được! Thật vậy chúng ta thử đặt mình vào địa vị của Lâm sư thư mà nghĩ xem, sấm sét giữa trời tạnh như thế, việc lớn sinh tử như thế, máu thịt nhầy nhụa như thế! Thông thường thì ai không khỏi rùng mình, kêu trời kêu đất, không khỏi oán than, trách Phật không bảo hộ, oán trách người tốt sao lại chết sớm; thông thường cũng không khỏi bi ai, kêu khóc: “anh chết rồi, bỏ em một mình lo cho cả nhà này, anh bảo em phải làm sao chứ?” tôi từng trông thấy nhiều trường hợp sinh ly tử biệt ở y viện, cho nên khi nghe chuyện người thực việc thực này của Lâm sư thư thì vô cùng cảm đông, và cũng cảm thấy rất rõ sự bất bình thường trong đó và sự không thể nghĩ bàn về sự cứu độ của Phật lực. Nếu như tình yêu chân thực mà người đời rất ca tụng, thì tôi cảm thấy chính là đây vậy! 

Thông thường có nhiều cặp vợ chồng suốt nhiều năm trẻ tuổi vẫn ca ngợi tình yêu, đến khi người hôn phối ngã bệnh thì lại ruồng bỏ người ấy, đó là chưa nói sau khi người ấy chết. Nếu như không ruồng bỏ người hôn phối ngã bệnh thì phần lớn cũng lo lắng: người hôn phối bị loại bệnh này có truyền nhiễm cho mình không? Trong y viện, rất nhiều người phối ngẫu và những người thân thuộc đều lén lút đến hỏi tôi về vấn đề này, khiến tôi phải ngán ngẩm về cái gọi là “tình yêu”, và thâm hiểu rằng, phần lớn người ta chỉ biết yêu mình mà thôi! Giả như có người bị xuất huyết mà chết, lát sau có mùi khó ngửi, thật khó mà thấy một người thân nào chịu khó ở lại, đứng bên cạnh an tịnh mà niệm Phật cho người chết trong tám giờ, mà tất cả đều vội đưa người chết vào phòng đông lạnh. Lại nữa, mọi sự đều giao cho tang nghi quán lo liệu, ngay cả việc liệm quần áo cho người chết cũng không dám tự mình làm. Tôi thường nhận thấy, khi người ta đã ngưng thở thì liền biến thành một thi thể đáng sợ, hình như không bằng giá trị của con vật. Thi thể của con vật còn được người ta bảo là có dinh dưỡng, chịu đem cân trọng lượng mà mua, người chết dù có dinh dưỡng cũng không ai dám muốn. Người thì có tình cảm ở với nhau lâu ngày mà xa lìa thì bi thương, nhưng xét kỹ nội dung của bi thương thì phần lớn đó là bi thương vì mình, rất ít trường hợp vì người kia. Còn lời hứa của Lâm sư thư lúc chồng chết làm xúc động tâm can người ta, thì hoàn toàn là tình yêu chân thật, lòng từ bi chân thật đối với chồng. Cũng chỉ có người chân chính tin lời Phật dạy “thế gian vô thường” thì mới có thể vào lúc nghịch cảnh bỗng phát sinh, liền dùng trí tuệ như thế để xử lý. Tuy trong quá khứ những biểu hiện của Lâm sư thư khiến người ta không nhận ra được niềm tin sâu đậm của chị đối với Phật pháp, nhưng trong lòng chị thật tin rằng sáu nẻo luân hồi là khổ, chỉ có sự vãng sanh vào thế giới Cực Lạc ở Tây Phương mới là sự an lạc và giải thoát tối hậu. Cho nên chị không chút chần chờ nói với chồng: “Honey, anh mau niệm Phật,theo Đức Phật A Di Đà về Tây Phương!” chị hoàn toàn không dùng cái tâm ngu si vì mình mà khóc lóc kể lể vô ích, trái lại, chị dùng một câu nói đại trí tuệ, đại từ bi thay cho sự khóc lóc bi ai. Tiếng xưng hô Honey cuối cùng của chị chính là toàn bộ sự biểu lộ tình cảm vợ chồng suốt đời củahọ, đều đó khó hơn nữa là tất cả những tình cảm thâm sâu đều chảy trọn vẹn vào biển đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, biến thành sự giúp đỡ và dìu dắt lớn nhứt trong biển lớn sinh tử ! Tôi nghĩ, đây mới là Honey chân chính: Cam lồ của mật ngọt chân chính. 

Lâm sư thư hiểu rõ mối lo ngại của chồng chính là mẹ già và bốn đứa con, cho nên chị gánh vác tất cả để cho chồng an tâm mà đến thế giới Cực Lạc trước, chờ chị và gia đình, không vì lo ngại mà bị đọa lạc. Câu nói của chị “mọi sự hãy để em lo” có sức mạnh biết bao! Những người đã có tình vợ chồng đều biết, đều này thật khó buông bỏ, cắt đứt, sống để đảm nhận nỗi thống khổ tử biệt và gánh nặng của mọi sinh hoạt hình như còn khó khăn hơn là chết trước. Cho nên ngay cả Lâm Giác Dân anh hùng hào kiệt như thế, mà trong “dữ thê quyết biệt thư”(giử vợ lời vĩnh biệt) cũng không biết phải làm sao để bày tỏ, vì cứu nước cứu dân phải hy sinh trước một bước, để lại nỗi thống khổ sinh ly tử biệt cho vợ con. Ông vì đất nước và nhân dân mà bất đắt dĩ dứt bỏ tình riêng, thật là khiến cho người ta phải rơi lệ. Còn Lâm sư thư thì sống mà đảm trách mọi thứ khó khăn. Quí vị có biết sau đó chị thực hiện lời hứa “mọi sự hãy để em lo” như thế nào không? Mỗi sáng sớm, khoảng hơn ba giờ, người ta đã nghe tiếng cả nhà thức dậy hoạt động. Bà mẹ chồng thức dậy niệm Phật làm công phu sáng. Chị dậy nấu xôi chuẩn bị các thứ vật liệu làm bánh, một ô cơm lớn và các đồ dùng, rồi dùng cái ròng rọc và giỏ treo mà đưa từ lầu bốn xuống lầu một. Trời chưa sáng, bọn trẻ còn ngái ngủ phải dậy gi úp chị mang các thứ xuống lầu. Chị dùng một xe đẩy mà đẩy đồ ra. Chị đứng suốt buổi sáng, cả bảy, tám tiếng đồng hồ, nặn bánh, bán bánh.Chị mang theo một chiếc radio để nghe chương trình của Minh Luân Liên xã. Một mặt chị nghe Phật pháp, một mặt cũng mang tràng hạt, băng cassette để tặng cho những người có duyên. Ngày ngày chị cười hề hề, tùy duyên mà khuyên người niệm Phật, đến khi bán hết bánh chị mới về nhà thì cũng đã quá trưa. Về đến nhà, ngoài việc săn sóc bà cụ và các con, chị còn tụng kinh niệm Phật. Cứ vào ngày tinh xá Tịnh Nghiệp có tổ chức niệm Phật, chị cùng các vị sư thư thường tự đông phát tâm đến trước để quét dọn đạo trường. Trong các vị ấy có Trang sư thư là người thật thà, trung hậu, thường khiêm tốn nói: “Tôi chẳng biết gì cả, chỉ biết cố gắng một chút để quét rửa nhà vệ sinh cũng tốt vậy”. Thật ra, các vị ấy đều là những Bồ Tát rất tốt. 

Theo mắt nhìn của người đời, một phụ nữ trẻ tuổi có chồng chết sớm không gì bất hạnh hơn, nhưng chị tin tưởng sâu xa vào đại bi, đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, tất nhiên Ngài đã cứu độ chồng chị, cũng tất nhiên sẽ chăm lo cho cả nhà chị, về sau tất nhiên sẽ tiếp dẫn chị vãng sanh Tây Phương. Quả thực, chồng chị đã nhờ mọi người trợ niệm, niệm A Di Đà Phật mà vẻ mặt vốn đau khổ của ông đã biến thành tươi vui, tốt đẹp. Cho nên chị đã không phải đau buồn vì chồng, cũng không phải khóc lóc vì mình. Mọi sự đều giao cho Đức Phật A Di Đà, tất cả đều chăm vào việc học tập sự từ bi của Đức Phật A Di Đà để tiến xa hơn! Chị sống nhiệt tâm, sáng suốt, chân thực. Chị kiên quyết tin rằng tất cả họ đều sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn gặp nhau, cùng tu học đạo Bồ Tát. 

Mỗi khi có người cần trợ niệm lúc lâm chung, chị và một số vị sư thư đều vì việc nghĩa mà không từ chối, xưa nay chưa hề nói câu “mệt quá”.Trong số bệnh nhân của tôi có người ở Bắc Cảng cần trợ niệm, chị cũng chịu đi. Lại có những người bệnh đã chết bị đưa vào phòng đông lạnh, ngay cả thân thuộc của người chết cũng không dám đến nhìn, chị cũng chịu tới giúp niệm Phật.Mỗi ngày giảng kinh, họ đều chân thành đến nghe Phật pháp, lại còn chân thành thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Kinh Hoa Nghiêm có nói, Đồng tử Thiện Tài từng năm mươi ba lần tham hỏi, tham hỏi các thiện tri thức thuộc các nơi, học tập các Bồ Tát có các hạnh nghiệp khác nhau. Tôi nhìn chung quanh, thấy các vị có vẻ bình thường, nhưng quả thực là những Phật tử từ bi, và cảm nhận thâm sâu rằng đó là những vị Bồ Tát mà tôi phải học tập, bắt chước theo. Dưới sự dẫn đạo của Đức Phật A Di Đà, tôi thật quá hạnh phúc, đâu đâu cũng đều gặp được Bồ Tát. 

Có một dạo, giáo sư yêu cầu tôi, mỗi thứ bảy hằng tuần đến y viện Trường Canh tham gia hội thảo của khoa phóng xạ ung bướu, cho nên tôi phải đáp chuyến xe buổi sáng đầu tiên của Đài Trung mới có thể kịp giờ làm việc của y viện Trường Canh ở Lâm Khẩu. Trời còn chưa sáng, trên đường gần như chưa có chiếc taxi nào, cho nên tôi phải khởi hành vào lúc bốn, năm giờ sáng để khỏi gặp tình trạng phải đi bộ th ì hoàn toàn không có taxi, không kịp đến trạm xe lửa. Bốn, năm giờ sáng mùa đông, trời còn mờ mờ, sáng sớm lạnh lẽo thế này mà ra ngoài, tôi run lập cập. Tôi lấy lại tinh thần, to tiếng niệm Phật để cỗ lệ mình. Đi ra tới đầu hẻm, tôi thấy Lâm sư thư đang đứng trong gió lạnh nặn bánh bên con đường còn yên ngủ. Chỉ có chị là người tỉnh táo. Trong hơi lạnh lẽo chỉ có chỗ bày hàng của chị là mang vẻ ấm áp. Chị đưa cho tôi hai chiếc bánh xôi nóng, đủ cho tôi dùng hai bữa, không phải lặn lội đi tìm thức ăn chay; chị còn cho tôi một câu “A Di Đà Phật” đầy thân thiết tươi vui. Tay tôi cầm lấy bánh xôi được ấm áp, trong lòng nghĩ rằng đây chính là thực tiễn của lơì hứa “mọi sự hãy để em lo” của chị, và lại là cái thực tiễn trong mỗi ngày! Không những chị chân chính thương giúp chồng,cầu mong cõi Tịnh độ Cực Lạc ở Tây Phương cho chồng, mà còn muốn tự mình chăm lo mọi khổ nhọc của mọi người trên đời, chị cũng thương giúp, bất cứ người nào có duyên gặp gỡ. 

Theo lời các Phật tử trợ niệm, chồng của chị sau khi được mọi người trợ niệm, vẻ mặt kinh hoàng vì tai nạn xe đã được biến đổi, biến đổi rất tốt, rất trang nghiêm, lại có tướng lành. Bấy giờ chị phải đối mặt với cảnh tượng thê thảm mà vẫn không kinh sợ, mà lại thuận theo để lo toan, đồng thời lại có thể ngay tức khắc áp dụng Phật pháp mà chị đã được nghe, quả là không dễ gì vậy! 

Chúng ta nghĩ lại mình, tuy được may mắn nghe Phật pháp quý báu, nhưng gặp sự biến hóa của nhiều hoàn cảnh, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bị tác dụng của tư tưởng cũ, bệnh tật cũ mà không áp dụng được Phật pháp. Đấy là tình cảm phàm phu dấy khởi, mà không dùng trí tuệ ngay để quán chiếu, giữ cho nội tâm an định, không động không loạn. So với sự việc “Lâm sư thư” trong sự biến đổi thê thảm của sinh tử đột nhiên phát sinh, đã y theo Phật pháp mà hành sự ngay, an định không loạn, áp dụng trí tuệ, thật là xa quá, đáng hổ thẹn quá. 

Mỗi khi tôi gặp nghịch cảnh về nhân sự phản phúc mà sinh buồn phiền, tôi không khỏi nghĩ đến vị Bồ Tát đứng sừng sững trong gió lạnh, vị Bồ Tát kiên cường và từ bi! Vào buổi sáng lạnh lẽo và mờ mịt, gặp được vị Bồ Tát ấy khiến người ta từ hai tay, đến bụng, đến tim đều cảm thấy ấm áp, và sung mãn hướng đến dũng khí rõ ràng.