Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 1

15 Tháng Bảy 201612:14 SA(Xem: 2503)
Phần 1

BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
Phần Một

 

      Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

        Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Một của bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong một khóa thiền 9 ngày tại Như Lai Thiền Viện vào tháng 11 năm 1995. Toàn thể bài pháp thoại gồm này là một loạt bài gồm nhiều Phần, do Theikdi và Maureen O’Brien ghi lại, hiệu đính và đăng trong Dhamma Bell Newsletter (Bản Tin của Như Lai Thiền Viện) từ  số 4 (Winter 2008) và vẫn tiếp tục cho đến những số gần đây. Thiền Sư U Silananda (1927-2005) là Viện Trưởng Viện Đại Học International Theravada Buddhist Missionary University of Yangon (Ngưỡng Quang, Miến Điện, 1999-2005). Ngài là một trong những biên tập viên về kinh điển Pali cùng Chú Giải trong kỳ Kiết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu (Sixth Buddhist Council) tại Ngưỡng Quang, 1954-1956. Ngài cũng là Thiền Sư Trưởng của Như Lai Thiền Viện (San Jose, California, 1991-2005) và tác giả nhiều cuốn sách viết bằng Miến ngữ và Anh ngữ trong đó có cuốn “The Four Foundations of Mindfulness” được phát hành nhiều nơi. Ngài đã đi hướng dẫn các khóa thiền tập và giảng dạy Phật Pháp, đặc biệt là giảng dạy về kinh Đại Niệm Xứ và kinh Vi Diệu Pháp tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Âu Châu, Mễ Tây Cơ và Thái Lan. Ngài được biết đến trên thế giới như là người có thẩm quyền về kiến thức Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Do công trình hoằng pháp của ngài, chính phủ Miến Điện đã phong tặng ngài danh hiệu Đại Trí Tuệ (Agga Maha Pandita) vào tháng 3 năm 1993 và danh hiệu Đại Pháp Sư (Agga Maha Saddhammajotika Dhaja) vào tháng 3 năm 1999.(Những chi tiết trên đây về tiểu sử ngài U Silananda được trích từ cuốn Mười Hai Nhân Duyên của Thiện-Anh Phạm-Phú- Luyện, bản soạn dịch Việt ngữ loạt bài ngài giảng về Pháp Duyên Sinh- Paticca Samuppada).

 

Phần Một

 

Khi các thiền sinh phúc trình kinh nghiệm thiền tập trong những lần trình pháp, họ thường hay hỏi họ thực hành có đúng hay không. Và Sư thường phải cam đoan với họ rằng chừng nào họ có chánh niệm với đối tượng trong giây phút hiện tại là họ thực hành đúng.  Sở dĩ có sự nghi ngờ về sự thực hành của mình có lẽ là vì họ không hiểu căn bản của thiền Minh Sát; như vậy, sự hiểu biết những điểm căn bản của thiền Minh Sát thực là quan trọng cho thiền sinh thực hành thiền Minh Sát.

Trước khi nói về những điểm căn bản của thiền Minh Sát, trước tiên chúng ta nên hiểu chữ Vipassana là gì. Vipassana được dịch là “Minh Sát”, có nghĩa là “pháp môn thiền dẫn đến sự thấy rõ bản chất thực sự của mọi vật”. Sư nghĩ dịch như vậy cũng tốt, tuy nhiên chưa nói hết nghĩa của từ Vipassana. Từ Vipassana có nghĩa là “thấy qua nhiều cách”. Thực ra, chữ Vipassana gồm có hai phần: Vi và Passana. “Vi” ở đây có  nghĩa  nhiều cách” và “Passana” có nghĩa là “thấy”. Như vậy Vipassana có nghĩa là “thấy trong nhiều cách”. Và “thấy” ở đây không phải là thấy bằng con mắt trần mà thấy với con mắt tâm, như vậy “thấy” thực sự có nghĩa là biết hoặc hiểu.

Như vậy, Vipassana có nghĩa là “thấy hoặc biết hoặc hiểu”, và “qua nhiều cách” có nghĩa là biết các hiện tượng tâm và vật chất là vô thường, là khổ và là vô ngã. Và bản chất của vô thường, khổ và vô ngã được gọi là “ba đặc tính của các pháp hữu vi”. Tất cả các pháp hữu vi đều có chung ba đặc tính này, do đó chúng ta có thể gọi chúng là các đặc tính chung của mọi pháp hữu vi. Khi quí vị thực tập thiền Minh Sát, quí vị phải thấy ba đặc tính này. Và chỉ khi nào quí vị thấy ba đặc tính này thì mới có thể nói rằng quí vị đang thực tập thiền Minh Sát. Tuy nhiên, trước khi quí vị thấy ba đặc tính này, quí vị có thể được gọi là thiền sinh thực tập thiền Minh Sát bởi vì quí vị đang tiến đến mục đích đó, hoặc là quí vị đang gần thấy được ba đặc tính này. Tóm lại, Vipassana là thấy ba đặc tính hay tam ấn của mọi pháp hữu vi.

Chúng ta phải làm gì khi thực tập thiền Minh Sát? Bởi vì Vipassana có nghĩa là thấy - thấy ba đặc tính hay thấy bản chất của mọi vật - chúng ta phải nhìn, chúng ta phải quan sát. Không nhìn, không quan sát thì chúng ta sẽ không thấy ba đặc tính đó. Các vị thiền sư Vipassana dùng nhiều từ ngữ khác nhau khi dạy thiền Minh Sát. Có vị dùng chữ “quan sát”, vị khác thì dùng chữ “chánh niệm” hoặc “ghi nhớ” hoặc “theo rõi” hoặc “nhận biết”. Tất cả các từ ngữ trên đều cùng một nghĩa - đó là nhận thức toàn thể đối tượng, thấy rõ đối tượng một cách thấu đáo. Chánh niệm được định nghĩa trong Chú Giải là một cái gì “không lung lay”, có nghĩa đây là một cái gì không phải hời hợt bên ngoài mà phải là một sự nhận biết đối tượng sâu xa, một sự nhận biết toàn diện. Như vậy, khi chúng ta hành thiền Minh Sát, chúng ta phải triệt để chánh niệm trên đối tượng,và chúng ta hết sức chú tâm để nhận biết toàn diện đối tượng.

Khi hành thiền Minh Sát, chúng ta làm gì? Chúng ta chỉ cần theo rõi, hay là chúng ta quan sát, hay là chúng ta ghi nhớ, hay là chúng ta cố gắng chánh niệm hay nhận biết đối tượng. Thiền Minh Sát là thiền chánh niệm: khi quí vị hành thiền Minh Sát, quí vị thực tập chánh niệm. Có một chữ khác mà quí vị nên hiểu, đó là Niệm Xứ (Satipatthana). Đôi khi chúng ta dùng chữ Minh Sát (Vipassana) và Niệm Xứ (Satipatthana) thay thế cho nhau. Khi quí vị thưc tập Vipassana, quí vị cũng đang thực tập Satipatthana hay là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm (Tứ Niệm Xứ), tuy nhiên sự thực tập Tứ Niệm Xứ có phạm vi rộng lớn hơn Minh Sát. Đôi khi quí vị có thể đang thực tập Tứ Niệm Xứ mà quí vị lại không thực tập Minh Sát. Nhưng bất cứ khi nào quí vị hành thiền Minh Sát là quí vị đang hành thiền Tứ Niệm Xứ. Như thế, khi đang hành thiền Tứ Niệm Xứ hoặc đang hành thiền Minh Sát, quí vị cũng đang thực tập chánh niệm: cố gắng chánh niệm, chánh niệm trên đối tượng.

Khi hành thiền Minh sát, chúng ta phải quan sát những gì?

Câu hỏi này cũng có nghĩa: phải chánh niệm về những thứ gì? Có hai câu trả lời cho câu hỏi này. Một câu trả lời, theo ngôn ngữ của kinh sách, là chúng ta phải quan sát Ngũ Uẩn Thủ. Sư hy vọng rằng quí vị đã quen với từ “Ngũ Uẩn Thủ” này. Trong Phật Pháp, chúng sinh được phân ra làm nhiều uẩn (aggregate - khandha), và có loài chúng sinh có năm uẩn, có loài chúng sinh khác thì có bốn uẩn v.v... Những uẩn này thực sự là những thành phần của một chúng sinh. Với loài người, có năm thành phần như vậy: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Cả năm uẩn này đều có thể là đối tượng của sự bám víu. “Bám víu” ở đây  là nguyên nhân của dính mắc hoặc có tà kiến. Chúng ta có thể bám víu vào ngũ uẩn này với dính mắc hoặc tà kiến. Điều này có nghĩa là hoặc chúng ta thấy vật nào đó, ưa thích và rồi dính mắc vào nó hoặc là chúng ta xem nó như thường còn, tồn tại mãi mãi. Như vậy, mọi vật trong thế giới này đều là đối tượng của sự bám bíu: đối tượng của dính mắc hay đối tượng của tà kiến.

Có vài sự vật thuộc về ngũ uẩn mà không thể là đối tượng của thiền Minh Sát, nhưng những thứ này rất ít. Ngũ uẩn thuộc về thế gian tầm thường được gọi là những Uẩn Bám Víu. Trong ngôn ngữ thường ngày, “Ngũ Uẩn Bám Víu” là tất cả mọi sự vật ta kinh nghiệm, biểu hiện cho chúng ta qua sáu căn. Theo Phật Pháp, mắt ,tai, mũi, lưỡi, thân và ý được gọi là sáu căn và các đối tượng được biểu hiện cho chúng ta qua sáu căn này. Ví dụ về những vật nhìn thấy được: khi một vật nhìn thấy được tiếp xúc với mắt, có sự thấy, chúng ta nói rằng vật đó được biểu hiện cho chúng ta qua cửa mắt. Như thế, bất cứ vật gì ta thấy, nghe v.v...- vật gì mà ta kinh nghiệm - đều có thể là đối tượng của dính mắc hoặc đối tượng của tà kiến. Chúng ta có thể thấy những vật gì mình ưa thích, muốn có chúng, bám víu vào chúng với sự dính mắc; hoặc là chúng ta xem chúng thường còn ... và bám víu vào chúng vì tà kiến. Như vậy, bất cứ vật gì có thể là đối tượng của dính mắc hoặc tà kiến là những gì ta phải quan sát khi hành thiền. Trong thực tập, điều đó có nghĩa là tất cả mọi sự vật: mọi sự vật ta thấy, nghe v.v... là những đối tượng phải được quan sát khi hành thiền Minh Sát. Như thế, để trả lời câu hỏi “Chúng ta phải quan sát gì?”, chúng ta có thể nói rằng phải quan sát tất cả mọi sự vật.

Câu hỏi kế tiếp là: “Tại sao chúng ta phải quan sát Ngũ Uẩn Thủ?

Câu hỏi cũng có nghĩa: Với mục đích gì ta quan sát những đối tượng này?  Chúng ta phải quan sát những đối tượng này để không bám bíu vào chúng hoặc là bởi vì chúng ta muốn tránh bám víu vào chúng. Nếu chúng ta không quan sát, không theo rõi chúng, nếu chúng ta không có chánh niệm về các đối tượng này thì chúng ta sẽ có khuynh hướng bám víu vào chúng. Chúng ta có khuynh hướng bám víu vào chúng với sự dính mắc hoặc với tà kiến. Khi có sự bám víu, sẽ có hành động theo sau và, khi có hành động, sẽ có phản ứng. Ví dụ, chúng ta muốn sinh vào cõi thần tiên. Chúng ta dính mắc vào cõi thần tiên đó. Rồi thì, để lên được cõi trời đó, chúng ta sẽ làm điều gì đó ở đây. Đôi khi chúng ta sẽ làm điều đúng và đôi khi chúng ta làm những điều sai. Cho dù chúng ta làm điều đúng hay điều sai, chúng ta được cái gọi là Kamma, có nghĩa là “nghiệp”. Khi có Kamma, tốt hay xấu, chắc chắn sẽ có kết quả của Kamma - quả tốt hoặc quả xấu. Cho dù những quả là tốt hay xấu, trong sự phân tích rốt ráo, quả chẳng là gì khác ngoài khổ đau. Khi có sự bám víu thì có hành động, và khi có hành động thì có kết quả dưới dạng khổ đau. Như thế, sự bám víu kéo dài sự khổ đau; bám víu tạo nên khổ đau. Nếu chúng ta muốn dứt bỏ khổ đau, chúng ta không được giữ sự bám víu. Để không có bám víu chúng ta phải quan sát đối tượng. Như thế, mục đích của sự quan sát hoặc mục đích của chánh niệm là tránh sự bám víu vào đối tượng. Nếu chúng ta không quan sát đối tượng, nếu chúng ta không giữ chánh niệm trên đối tượng đang được trải nghiệm, chúng ta sẽ luôn luôn phản ứng với sự bám víu. Một lần nữa, để tránh sự dính mắc vào đối tượng, ta phải chăm chú theo rõi hay là chúng ta phải quan sát chúng. Khi chúng ta quan sát đối tượng, sẽ đến lúc chúng ta thấy được bản chất thực sự của chúng, và khi ta thấy được như thế, sự bám víu sẽ không có cơ hội để phát sinh. Như vậy, quan sát hay chánh niệm trên đối tượng trong giây phút hiện tại là cần thiết để tránh sự bám víu vào đối tượng đó.

Khi nào chúng ta phải quan sát đối tượng? Phải chăng chúng ta phải quan sát đối tượng khi nó đã qua rồi hay khi nó sắp đến? Quan sát đối tượng là cần thiết để thấy bản chất thực sự của chúng và như thế chúng ta có thể tránh được sự bám víu. Để thấy được bản chất của đối tượng, chúng ta cần phải quan sát chúng ngay khi chúng hiện có. Chúng ta không thể khám xét một vật không hiện có mặt với chúng ta. Chúng ta không thể khám xét một vật gì mà ta thấy ngày hôm qua. Chúng ta có thể nhớ lại trong tâm mình, nhưng không thể thấy vật đó rõ ràng như nó hiện có ngay trước mặt ta. Như vậy, để thấy bản chất thực sự của đối tượng, chúng ta phải quan sát nó, theo rõi nó khi nó hiện có. Khi nó đi qua rồi, ta không thể thấy bản chất thực sự của nó. Trong thiền Minh Sát, đối tượng hiện có, đối tượng trong hiện tại, là quan trọng nhất.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không quan sát đối tượng trong hiện tại? Sư nghĩ là tất cả quí vị biết câu trả lời: sẽ có sự dính mắc. Một lần nữa, khi có dính mắc, sẽ có hành động, và khi có hành động sẽ có quả của hành động. Chẳng hạn ta đang thấy một vật. Nếu ta không quan sát nó, không chánh niệm trên đối tượng đó, ta sẽ có khuynh hướng dính mắc vào vật đó. Và một khi có dính mắc vào, sự dính mắc đó sẽ sống với vật đó mặc dù nó đã qua đi và chúng ta nhớ lại vật đó trong tâm như là ta gắn sâu sự dính mắc vào trong vật đó. Lấy ví dụ quí vị thấy một vật đẹp đẽ, quí vị ưa thích nó và dính mắc vào vật đó. Lần sau khi nhớ lại vật đó, quí vị nhớ nó với sự dính mắc đã được gắn sâu trong vật đó, hay là quí vị nhớ lại nó với sự dính mắc như thể là quí vị đã đầu tư sự dính mắc vào vật đó. Điều này được gọi là “sự ô nhiễm tiềm tàng” trong đối tượng. Có hai loại ô nhiễm: những ô nhiễm tiềm tàng trong đối tượng và những ô nhiễm tiềm tàng trong dòng ý thức của chúng ta – trong tâm ta. Thực sự chẳng có gì tiềm tàng trong đối tượng, bởi vì đối tượng chỉ là sự vật và chẳng có sự dính mắc nào cả trong sự vật. Nhưng khi ta dính mắc vào sự vật, ta đặt để sự dính mắc này vào trong sự vật đó, và như thế khi ta nhớ lại vật đó, nó trở lại với ta kèm theo sự dính mắc đó. Như vậy, chúng ta hành thiền Minh Sát dể tránh khỏi hoặc dứt bỏ sự tiềm tàng đó trong các đối tượng. Nếu chúng ta không quan sát,  chúng ta sẽ luôn luôn gắn sâu sự dính mắc hoặc tà kiến vào đối tượng, và khi nào ta nhớ lại những đối tượng đó, chúng sẽ trở lại với những dính mắc đã được gắn sâu trong đó.

Cái gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quan sát đối tượng khi chúng đang có mặt trong hiện tại?

Chúng ta sẽ không bấu víu vào đối tượng. Sự bấu víu sẽ không phát sinh vì khi mà ta cẩn trọng theo rõi đối tượng, sẽ không có cơ hội nào cho sự bấu víu nhảy vào. Khi quí vị niệm “thấy, thấy” hoặc “nghe, nghe” hoặc chỉ là “vào và ra”, “vào và ra” hay “phồng, xẹp”, “phồng, xẹp”, và quí vị thực sự chú tâm thì sẽ không có cơ hội nào cho sự dính mắc hoặc tà kiến phát sinh được. Như thế, ở mỗi phút giây chánh niệm, quí vị không có sự dính mắc và tránh được sự dính mắc. Khi không có dính mắc thì không có hành động tùy thuộc vào dính mắc đó. Khi không có hành động thì sẽ không có phản ứng, không có quả trong tương lai. Và điều này sẽ dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.

Như vậy, nếu chúng ta quan sát đối tượng trong hiện tại, chúng ta sẽ không đặt để dính mắc và tà kiến vào trong đối tượng đó, và sau đó khi nhớ lại đối tượng, nó sẽ trở lại không có dính mắc và không tà kiến, sẽ không có ô nhiễm tiềm tàng trong đối tượng đó. Nói một cách khác, khi nào ta nhớ lại một đối tượng trong tâm, chúng ta sẽ không có dính mắc hoặc tà kiến về đối tượng đó.                

Bây giờ chúng ta phải quan sát như thế nào? Chúng ta phải quan sát đối tượng thế nào để  chúng ta có thể nhận biết toàn diện và chánh niệm sâu xa trên đối tượng. Mục đích của chúng ta là tránh sự dính mắc với đối tượng, vậy thì ta phải quan sát cẩn thận mỗi một đối tượng hiển hiện và nổi bật trong thời điểm hiện tại. Như thế, cái gì nổi bật trong trong hiện tại là cái quan trọng nhất cho những người hành thiền Minh Sát, và họ không thể không chánh niệm, không thể không nhận biết đối tượng.

“Đừng để qua khứ trở lại với quí vị, đừng nghĩ tưởng tới tương lai. Cái gì đã qua thì đã bị bỏ rơi, cái gì trong tương lai thì chưa đến với ta. Nhưng một người khôn ngoan biết quan sát sự vật hiện có trong mỗi phút giây hiện tại sẽ phát triễn thiền Minh Sát, sẽ không bị lôi cuốn bởi dính mắc và tà kiến”. Đây là lời khuyên dạy của Đức Phật: “ Đừng để quá khứ trở lại với quí vị.” Điều này có nghĩa là đừng nghĩ tới quá khứ và đừng mong muốn tương lai. Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, người khôn ngoan quan sát sự vật trong hiện tại. 

Một điều khác khi quí vị quan sát là phải chú tâm đơn thuần, nghĩa là chỉ chú tâm, chỉ chánh niệm mà không thêm vào những gì do chủ quan của mình. Đôi khi - hay là hầu hết mọi khi - chúng ta thấy một vật mà không ngừng ở sự thấy. Sau khi thấy, chúng ta có ngay sự phán đoán: “Vật đó là đẹp đẽ”, “ vật đó xấu xí” – hay tương tự như vậy – hoặc “vật đó đáng ưa thích”, “vật đó không đáng ưa thích”, v.v... Khi ta phán đoán, ô nhiễm trong tâm liền theo sau sự phán đoán. Khi ta phán đoán một vật là đẹp đẽ, ta liền ưa thích nó và khi ta phán đoán một vật là xấu xí, tâm sân liền theo sau sự phán đoán đó. Nhưng ở đây ta muốn thấy bản chất thực sự của đối tượng và không muốn dính mắc vào chúng; như vậy, để thấy được bản chất của đối tượng, chúng ta phải dẹp bỏ những thứ gì ta đặt để trên nó. Nếu những thứ này ẩn núp trong các phán đoán ta thêm vào thì chúng ta sẽ không thấy được bản chất thực sự của đối tượng ta quan sát. Như vậy thật là quan trọng khi ta chú tâm vào đối tượng, khi ta chánh niệm trên đối tượng, chúng ta chỉ chánh niệm - một sự chánh niệm đơn thuần. Ví dụ: chúng ta không được suy đoán hay đánh giá đối tượng bởi vì những điều này sẽ đưa đến các ô nhiễm trong tâm.

Nói tóm lại, chúng ta phải quan sát như thế nào? Chúng ta phải quan sát các đối tượng khi chúng có mặt trong hiện tại và chúng ta phải quan sát mà không thêm vào bất cứ phán đoán hoặc bất cứ thứ gì vào các đối tượng và chúng ta cũng không lấy đi bất cứ cái gì, thực tại gì từ các đôi tượng đó. Nếu chúng ta có thể theo lời khuyên bảo này, chúng ta sẽ hành thiền đúng. 

Chừng nào mà quí vị chánh niệm trên đối tượng trong hiện tại, không kể đối tượng là tâm hay vật chất, quí vị đang thực tập đúng, đang hành thiền dúng cách. Đôi khi quí vị có thể thấy điều kỳ ảo hoặc có cảm thọ mạnh và hiện tượng khác. Tuy nhiên bất cứ đối tượng là gì, nếu quí vị chỉ chánh niệm trên đối tượng trong giây phút hiện tại đó là quí vị đã hành thiền đúng. Nếu quí vị mất chánh niệm - lấy thí dụ là vì sợ hãi - thì đó là một việc sai lầm. Như vậy, trong khi thiền tập nên nhớ rằng điều quan trọng là chánh niệm, và quí vị có thể nói: “Chừng nào mà tôi chánh niệm trên đối tượng trong giây phút hiện tại - dù rằng đó là đối tượng chính hay đối tượng phụ - tôi đang hành thiền đúng.”

Đây là những điểm căn bản của thiền Minh Sát. Chúng ta phải quan sát đối tượng như là để thấy bản chất thực sự của chúng. “Bản chất thực sự” có nghĩa chúng là vô thường, chúng là khổ và chúng là vô ngã. Chỉ khi nào quí vị thấy ba đặc tính này thì quí vị mới có thể dứt bỏ hoặc tránh sự bám víu - bằng sự dính mắc hoặc bằng tà kiến - đối với đối tượng. Khi không có sự bám víu thì sẽ không có đau khổ tạo nên bởi sự bám víu. Và như thế quí vị hành thiền Minh Sát, chúng ta quan sát đối tượng ở giây phút hiện tại, và chúng ta chỉ đơn thuần chú tâm trên đối tượng, không thêm vào đó bất cứ phán đoán chủ quan nào của mình. Nếu quí vị luôn nhớ điều này, Sư nghĩ sự thực tập của quí vị sẽ tốt đẹp.

Một vị tu khổ hạnh đến vấn đạo Đức Phật khi ngài đang đi khất thực, Đức Phật dạy như sau: “Hãy chỉ nhìn cái đang được nhìn. Hãy chỉ nghe cái đang được nghe. Hãy chỉ cảm nhận những gì đang được cảm nhận - như mùi, vị hoặc sự đụng chạm. Hãy chỉ suy nghĩ  cái ý tưởng đang được suy nghĩ.”

Lời dạy này có nghĩa là khi quí vị thấy vật gì, hãy ngừng ở sự thấy và đừng đi qua chuyện thích hay không thích vật đó. Như vậy, với tất cả những gì ta kinh nghiệm – dù rằng đó là sắc hay thinh hay hương hay vị hay xúc hay ý – chúng ta nên ngừng ngay ở sự thấy, sự nghe, v.v... Điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Thật là khó khăn để ngừng ngay ở sự thấy khi ta thấy vật gì, bởi vì chúng ta đã được huấn luyện để phán đoán, và ta đã có ngay sự phán đoán trước khi ta biết mình làm điều đó. Quí vị nghe một âm thanh, và liền tức khắc quí vị biết ngay đó là âm thanh của xe hơi hay của máy bay... Đức Phật khuyên dạy là phải ngừng ngay ở sự thấy, không thêm gì vào đối tượng, như là “Cái này đẹp”, “Cái này xấu” hoặc “ Cái này không đáng ưa thích”. Nếu chúng ta có thể làm được như thế, chúng ta có thể tránh sự bám víu vào mọi đối tượng. Không có dính mắc thì sẽ không có hành động và phản ứng và như thế là chấm dứt hoặc dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.    

(Những tiêu đề cũng như những chú thích bằng chữ nghiêng giữa hai dấu ngoặc đơn là do dịch giả thêm vào cho dễ đọc).