TRONG KINH TẠNG NIKAYA
TẬP 1
Thích Quảng Tánh
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
PHẦN 6
BA HẠNH CỦA SA MÔN
Một thời, Thê Tôn trú tại Vesàli, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba hạnh này cả Sa môn cần phải làm. Thế nào là ba?
Thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học. Đây là ba hạnh của Sa môn cần phải làm. Do vậy, các Tỷ kheo phải học tập như sau: Sắc bén là ước muốn của chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học.
Ví như, này các Tỷ kheo, một con lừa đi theo sau một đàn bò, nghĩ rằng “ta cũng là bò” nhưng nó không có màu sắc, tiếng kêu và chân giống bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò và nghĩ “ta cũng là bò”.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây có Tỷ kheo đi theo sau lưng chúng Tỷ kheo, nghĩ rằng “ta cũng là Tỷ kheo”. Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học như những Tỷ kheo khác. Tuy vậy vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỷ kheo, nghĩ rằng “ta cũng là Tỷ kheo”.
Do vậy, các Tỷ kheo phải học tập như sau: Sắc bén là ước muốn của chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phầm Sa môn, phần Sa môn [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.415)
LỜI BÀN:
Xuất gia vốn đã khó, làm tròn bổn phận của người xuất gia lại càng khó hơn. Nhiều người nghĩ rằng đã đi tu, là Tỷ kheo là thanh tịnh, giải thoát và hoàn thiện. Thực ra, đó chỉ là bước đầu, người xuất gia phải tu luyện trong một thời gian dài, phấn đấu và nỗ lực thật nhiều mới có thể kiện toàn những phẩm chất cần có.
Người xuất gia, dù tu tập theo bất cứ truyền thống, hệ phái, tông phái nào và dù ở bất cứ vị trí nào trong Giáo hội hay xã hội thì mục tiêu phải đạt được là thành tựu giới học, định học và tuệ học. Giới định tuệ là cốt lõi của sự nghiệp tu tập, là ba chân vạc chắc chắn của đời sống xuất gia. Do vậy, có thể nói, nếu không chuyển hóa để “thọ trì tăng thượng giới học, định học và tuệ học” thì người ấy chỉ là “hình đồng xuất gia” mà thôi.
Thế Tôn đưa ra ảnh dụ về con lừa đi theo đàn bò và nghĩ rằng “ta cũng là con bò” thật cụ thể, ấn tượng và sâu sắc. Con lừa thì hoàn toàn khác biệt con bò nên dẫu có đi theo đàn bò hay lẫn lộn giữa đàn bò thì lừa cũng vẫn là lừa. Chỉ tội nghiệp con lừa mê muội nghĩ rằng mình là bò, “thấy sang bắt quàng làm họ” mà chẳng chút tương ưng.
Ngày nay, người xuất gia khá nhiều. Chúng ta đều nguyện theo dấu chân xưa của Phật, Tổ nhưng ai đã theo kịp? Ai đích thực là Tỷ kheo và ai chỉ là người đi theo sau lưng chúng Tỷ kheo mà nghĩ rằng “ta cũng là Tỷ kheo”? Giới, Định và Tuệ nơi tự thân mỗi người sẽ là câu trả lời và đó cũng chính là mục tiêu thiết thực nhất cho một đời dấn thân tu học.
KHẤT SĨ
Một thời, Thế Tôn trú ở Savàtthi. Rồi Bà la môn Bhikkhaka đi đến, sau khi chào đón, hỏi thăm, ngồi xuống một bên bạch Thế Tôn:
Thưa Tôn giả
Thế Tôn đáp: “Không phải ai ăn xin; cũng gọi là khất sĩ; nếu chấp trì độc pháp; không còn gọi Tỷ kheo; ai sống ở đời này; từ bỏ các phước báo; đoạn trừ mọi ác pháp; hành trì theo phạm hạnh; sống đời sống chánh trí; vị ấy xứng Tỷ kheo”.
Khi được nghe nói như vậy, Bà la môn Bhikkhaka bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Bhikkhaka, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.400)
LỜI BÀN:
Khất sĩ là một trong những ý nghĩa cao quý của Tỷ kheo. Về phuơng diện nuôi sống thân mạng, Tỷ kheo chọn pháp khất thực là một kẻ ăn xin đích thực. Trong vô vàn kẻ ăn xin lang thang từ nơi này đến nơi khác tìm cái ăn để sống vất vưởng qua ngày thì những người ăn xin, Tỷ kheo trì bình khất thực với mục đích hoàn toàn khác, vì tự lợi và lợi tha. Tự lợi là dùng khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập. Lợi tha là dùng phương tiện khất thực để giáo hóa và tạo phước điền cho chúng sanh. Vì thế, khất thực là truyền thống của mười phương ba đời chư Phật.
Khất sĩ là người ăn xin nhưng không phải là kẻ xin ăn nào cũng là khất sĩ, Thế Tôn đã khẳng định như vậy. Nếu thực hành hạnh khất thực hành phạm hạnh, không sống đời chánh trí thì không phải Tỷ kheo. Ngày nay, đa phần Tỷ kheo không trì bình khất thực nhưng vẫn nhận sự cúng của Phật tử và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để sống, tu tập và thực thi Phật sự. Dù không trực tiếp thực hành theo phương thức “một bát, cơm ngàn nhà” nhưng bản chất của khất sĩ vẫn không thay đổi.
Quán chiếu để thấy tự thân là một khất sĩ, một người ăn xin đích thực là nhiệm vụ của mỗi Tỷ kheo. Nguyện sống đồi khất sĩ không cầu phước báo nhân thiên, chỉ vì mục đích duy nhất là thoát ly sanh tử và nguyện cứu độ chúng sanh. Trong tinh thần phương tiện, một khất sĩ có thể và có quyền sở hữu nhưng phải thường quán sát với tuệ giác không có bất cứ cái gì “là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi”.
Tuệ tri thường trực về ý nghĩa và bản chất của đời sống khất sĩ là động lực quan trọng để làm suy giảm, dẫn đến triệt tiêu tự ngã và tham ái. Đó cũng là lý do hàng phật tử khi tu tập bố thí, gieo trồng ruộng phước nơi chúng Tăng không đơn thuần bố thí mà mang ý nghĩa cao cả là cung kính cúng dường.
BẬC TRƯỞNG LÃO
Một thời, Tôn giả Mahà Kaccàna trú ở Madhurà. Rồi Bà la môn Kandaràyana đi đến, thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna như sau:
Tôi có nghe, thưa Tôn giả Mahà Kaccàna: “Sa môn Mahà Kaccàna không kính lễ, không đứng dậy, không lấy ghế mời ngồi đối với các bậc trưởng lão, trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt mức cuối tuổi đời”. Thưa Tôn giả Mahà Kaccàna, có phải sự tình là như vậy không? Nếu sự tình có như vậy, thưa Tôn giả Mahà Kaccàna, là không được tốt đẹp.
Này Bà la môn, Thế Tôn, bậc Chánh đẳng giác đã tuyên bố về địa vị của trưởng lão và tuổi trẻ. Vị trưởng lão, này Bà la môn, 80 tuổi hay 100 tuổi đời, nếu vị ấy thọ hưởng các dục vọng, sống giữa các dục vọng; bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, cố gắng tìm cầu các dục vọng; người ấy như vậy được gọi là kẻ ngu, không phải là bậc trưởng lão. Dù cho, này Bà la môn, một người còn trẻ, với tóc đen nhánh, trong thời sơ khởi của tuổi đời, mà người ấy không thọ hưởng các dục vọng, không sống giữa các dục vọng, không bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, không bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, không cố gắn tìm cầu các dục vọng; người ấy như vậy được gọi là bậc có trí, bậc trưởng lão.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.128)
LỜI BÀN:
Ở đời tuổi tác là một nhân tố quan trọng tác thành nên vị trí của cá nhân trong cộng đồng. Những người đáng tuổi ông, tuổi cha, tóc bạc, râu dài thì mặc nhiên được hậu sinh kính nể, tông trọng. Trong đạo cũng vậy, những bậc truởng lão, thâm niên lại càng được kính nể và tôn trọng hơn.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề tuổi tác ra, nhân cách và tuệ giác của chính vị ấy mới là nhân tố quyết định địa vị đích thực của học trong cộng đồng xã hội hoặc trong Tăng đoàn. Nhất là đối với hành xuất gia thì phạm hạnh hay đức độ cùng với tuệ giác quyết định hoàn toàn vị trí của họ trong Tăng chúng.
Điều này giới luật đã quy định rạch ròi, đơn cử như một người dù lớn tuổi nhưng xuất gia và thọ giới sau thì phải ngồi dưới hoặc sau (hạ tọa). Nhưng sự phân biệt về thứ lớp có tính hình thức bên ngoài chưa phải là điều quan trọng, cốt tủy của vấn đề là thành tựu ly tham, ly dục biểu hiện bằng đạo đức, phầm hạnh và tuệ giác nơi mỗi cá nhân. Thiếu vắng hoặc khiếm khuyết những phẩm chất giải thoát này thì dù cho vị ấy có niên cao lạp trưởng, thường ngồi cao hay gồi trên trong chúng Tỷ kheo thì vẫn là bậc hạ tọa, trung tọa mà không phải là bậc trưởng lão.
Thì ra, ly dục và vượt thoát lưới dục mới là chất liệu kiến tạo nên địa vị trưởng lão. Chưa thoát ly khỏi trói buộc của tham đắm lợi danh, dù người ấy được tôn vinh tới đâu đi nữa, theo Thế Tôn chì là hàng vô trí, bậc hạ tọa mà thôi. Vậy nên, bậc có trí, hàng trưởng lão đích thực luôn phản tỉnh để biết rõ tâm mình, bởi trạng huống của nội tâm trong hiện tại phản ảnh vị trí của mình trong Tăng đoàn chính xác nhất.
NĂM HẠNG NGƯỜI ĂN BÌNH BÁT
Một thời, Thế Tôn ở Kosala, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm hạng người ăn bình bát này. Thế nào là năm?
Hàng đần độn ngu si ăn từ bình bát; hạng ác dục ác tánh ăn từ bình bát; hạng kiêu mạn loạn tâm ăn từ bình bát; hạng ăn từ bình bát vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng ăn vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này, ăn từ bình bát.
Trong năm hạng người ăn từ bình bát, này các Tỷ kheo, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.
Ví như, này cá Tỷ kheo, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong năm hạng người ăn từ bình bát, hạng ăn tù bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện lành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phầm Rừng, phần Ăn từ bình bát, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.666)
LỜI BÀN:
Chư Tỷ kheo ôm bình bát khất thực vào mỗi buổi sáng là hình ảnh đẹp và quen thuộc đối với những địa phương có chư Tăng Phật giáo Nam tông. Phật giáo Bắc tông tuy không trì bình khất thực nhưng mỗi năm vào mùa An cư, chư vị Tỷ kheo vẫn giữ truyền thống thọ bát.
Theo qua điểm của Thế Tôn thì thành phần của những người thọ bát này rất đa dạng, có đến năm hạng. Điều này cũng dễ hiểu bởi chúng sanh căn tánh và nghiệp lực sai biệt. Do vậy, dẫu xuất gia rồi nhưng trong quá trình phấn đấu chuyển nghiệp để đạt đến sự hoàn thiện thì một số người còn những biểu hiện của sự tồn tại, hạn chế xuất phát từ nghiệp là tất nhiên. Tuy cùng hình thức xuất thế đầu tròn áo vuông, ba y một bát nhưng trong bản chất thì mỗi Tỳ kheo phải phấn đấu để khắc phục nghiệp dĩ của chính mình. Có người nặng về nghiệp si, nghiệp tham, nghiệp sân hoặc nặng về danh vọng và cung kính…..nói chung là những chướng ngài cho tiến trình thăng hoa và thanh tịnh tâm.
Trong năm hạng người ăn từ bình bát, Thế Tôn tán thán hạng người ăn bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì viễn ly, vì cầu thiện hành. Bởi đây là những Tỷ kheo hạt giống, là tiềm năng cho quả vị A la hán. Vì muốn ít và biết đủ là nền tảng căn bản của việc đoạn trừ tham, một phiền não làm nên bản chất của chúng sanh. Đoạn giảm là nỗ lực chế ngự dần đến triệt tiêu những chướng ngại của phiền não. Viễn ly là xa lìa những ảnh hưởng và tác động của thế tục để hướng đến sự thanh tịnh đồng thời tận lực là tất cả những điều lành để phát triển thiện nghiệp. Vì lẽ ấy mà những Tỷ kheo nào thực hành đầy đủ các công hạnh này thì được Thế Tôn tán thán là thượng thủ, đệ nhất.
Từ sữa qua quá trình tinh luyện sẽ trở thành đề hồ. Cũng vậy, từ năm hạng người ăn bình bát, nếu chư Tỷ kheo biết tinh tấn tu học, nhất là trong những mùa an cư thì sẽ còn một hạng duy nhất, đó là hạng thượng thủ, tối thắng. Đây cũng là bản hoài của Thế Tôn đối với hàng Thích tử trong thời Ngài tại thế và mãi cho đến tận hôm nay.
SỐNG BIỆT LẬP
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ kheo không đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng. Thế nào là năm?
Này các Tỷ kheo, ở đây, Tỷ kheo không tự vừa đủ với y phục nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với đồ ăn khất thực chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với sàng tọa nhận được từ chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được từ chỗ này chỗ kia; và sống với nhiều tư duy về dục.
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ kheo không đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng.
Này các Tỷ kheo, ở đây, Tỷ kheo tự vừa đủ với y phục nhận được từ chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với đồ ăn khất thực nhận được từ chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với sàng tọa nhận được từ chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với dược phẩn trị bệnh nhận được từ chỗ này chỗ kia; và sống với nhiều tư duy về viễn ly.
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ kheo đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Sống biệt lập, VNCPHVN ấn ành 1996, tr.544)
LỜI BÀN:
Không phải đến đời nay Giáo hội mới đề cập đến việc Tăng Ni ra ở riêng, lập am, cất cốc, dựng thất….mà từ thời Thế Tôn, vấn đề này đã được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng với các tiêu chí, điều kiện cụ thể.
Trước hết, Thế Tôn luôn ca ngợi tán thán những ai lập hạnh và dấn thân trên con đường độc cư thiền định. Bởi sống độc cư là thực hiện hạnh viễn ly, tạo môi trường lý tưởng cho thực tập thiền định để chứng đạt hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để bước vào con đường này. Nếu chưa điều phục, đoạn giảm tham dục để muốn ít và biết đủ và nhất là chưa thiết lập được chánh niệm vững chãi thì tốt nhất cần phải nương tựa vào tăng chúng, không được ở riêng.
Vì thế, đa phần những người tu sơ cơ phải gắn bó với Tăng. Tăng chúng có năng lực bảo hộ, soi sáng và trợ duyên rất nhiều cho người xuất gia. Rời khỏi đại chúng trong khi chưa đủ hành trang để sống một mình là tự phế bỏ sự nghiệp tu học. Kinh nghiệm của các bậc cao tăng tiền bối “Tăng ly chúng Tăng tàn” đã chứng minh điều ấy.
Trước thực tế Tăng Ni sống biệt lập với đại chúng, xây dựng am, cốc ngày càng gia tăng hiện nay, chưa hẳng là điều đáng mừng. Đức Phật tuy khuyến khích hàng xuất gia sống độc cư thiền định nhưng quy định các điều kiện khá chặt chẽ và tiêu chuẩn cũng khá cao. Do đó, những ai tự xét đã hội đủ các quy chuẩn để sống biệt lập thì nên dấn thân để thành tựu giải thoát. Đối với những ai tự thấy mình còn nhiều tham dục, chưa đủ điều kiện để sống riêng thì cần trở về nương tựa Tăng.
KHÔNG NÊN SỐNG QUÁ LÂU Ở MỘT NƠI
Một thời, Thế Tôn trú tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:
Có năm nguy hại này, này các Tỷ kheo, nếu sống quá lâu một chỗ. Thế nào là năm?
Xan tham đối với trú xứ, xan tham đối với gia đình, xan tham đối với đồ vật cúng dường, xan tham đối với công đức, xa tham đối với pháp.
Có năm lợi ích này, này các Tỷ kheo, nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ. Thế nào là năm?
Không xan tham đối với trú xứ, không xan tham đối với gia đình, không xan tham đối với đồ vật cúng dường, không xan tham đối với công đức, không xan tham đối với pháp.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Du hành dài, phần Sống quá lâu một nơi, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.725)
LỜI BÀN:
Một trong những đặc điểm của đời sống chư Tăng là du hành. Không nhà cửa, tài sản, vợ con đã đành lại không sống lâu ở một nơi nhằm buôn xả, tránh dính mắc, luyến ái với mọi thứ. Ngay cả gốc cây mà vị Tăng an trú trong rừng cũng được Thế Tôn khuyến cáo không nên trụ quá ba đêm, huống gì nhà cao cửa rộng, chùa to Phật lớn. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi chư Tăng thường hay di chuyển, thay đổi trụ xứ, thong dong với “một bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt trong xem trần thế, mây trắng hỏi đường qua”.
Con người thích hoài niệm, luyến tiết quá khứ nên rất khó quên và xả ly những gì mình đã từng dày công vun đắp, gầy dựng, gắn bó và thân thương. Cố nhiên đó không phải là điều xấu nhưng mến thương, lưu luyến nhiền cũng chưa phải là điều hay, nhất là đối với những ai nguyện hướng đến buông xả, thảnh thơi và tự tại. Suốt một cuộc đời ta chuyên tâm làm điều thiện như tu niệm, xây chùa, dựng tháp, giáo háo đồ chúng, với biết bao công đức và phước báo. Rồi trước những thành công cùng với cung kính, ca ngợi, tán dương ấy ta có đủ bản lĩnh và tỉnh táo để vô chấp, khước từ, ra đi không lưu lại dấu vết như “nhạn quá trường không”?
Xây dựng thiện nghiệp vốn cực kỳ khó nhưng từ bỏ nó để đi đến tuyệt cùng xả buông cũng chẳng dễ tí nào. Vì thế, không ít người dám vượt qua Hóa thành để thong dong về Bảo sở. Tham ái theo dục vọng tầm thường hay tham ái thiện nghiệp dù khác nhau nhưng xét cho cùng cũng vẫn là tham, mà đã là tham thì chưa giải thoát.
Xuất gia là ra đi, một cuộc chi tay, ly tham, khước từ vĩ đại nhất đối với hết thảy; làm tất cả điều thiện, lợi ích mà không chấp thủ; không bị dính mắc, trói buộc và buông bỏ tất cả. Vẫn biết “có an cư mới lạc nghiệp” song ý nghĩa đích thực của an cư là tâm thái xa lìa hoàn toàn tham ái và chấp thủ.
BỐN HẠNH THUYẾT TRÌNH
Một thời, Thế Tôn trú ỏ Sàvatthi, tại Jetavana,dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có bốn hạng thuyết trình này. Thế nào là bốn?
Bốn hạng thuyết trình, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa, không về văn; có hạng thuyết trình này, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về văn nhưng không về nghĩa; có hạng người này, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn; có hạng người, này các Tỷ kheo, không đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.
Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người thuyết trình này.
Không có trường hợp này, này các Tỷ kheo, không có cơ hội này, là một người đã thành tựu bốn vô ngại giải, lại đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phầm Loài người, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.78)
LỜI BÀN:
Trong phận sự của mỗi người con Phật, ngoài việc tu tập để đạt an lạc, giải thoát cho tự thân thì tuyên thuyết, trao truyền và xiểng dương giáo pháp nhằm giáo hóa chúng sanh hướng về Tam bảo là nhiệm vụ quan trọng. Muốn hành trì và thuyết giảng đúng Chánh pháp thì trước phải học tập, nghiên cứu để am tường giáo pháp.
Con đường để nhận thức toàn diện giáo pháp là Văn – Tư – Tu; nghe, đọc, học hỏi, nghiên tâm rồi suy tư, chiêm nghiệm nghĩa lý và nhất là sự thẩm thấu, thể nghiệm giáo pháp thông qua hành trì, nội chứng. Kiên toàn được những yêu tố này, thì dù chưa đạt đến biện tài vô ngại song cũng đủ tư lương đê xiểng dương Chánh pháp.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, muốn diễn đạt, tuyên thuyết trình bày một vấn đề trước hội chúng có sức thuyết phục cần thông suốt văn và nghĩa. Văn bản, kinh sách, tầm chương trích cú phải thông thuộc, đúng gốc, rõ ràng đồng thời nghĩa lý, ý tứ của kinh văn phải hiểu rõ để diễn đạt mạch lạc, chính xác. Và dĩ nhiên, nhưng ai chưa thông suốt cả văn lẫn nghĩa thì tốt nhất là “im lặng như Chánh pháp”, cần rèn luyện và trau giồi thêm. Trường hợp, liễu triệt về nghĩa nhưng bị giới hạn về văn, muốn có phương tiện hoằng hóa cũng cần bổ túc thêm cho đến khi hiểu biết trọn vẹn cả văn lẫn nghĩa.
Khi dự vào Thánh vị, thành tựu bốn vô ngại (giáo pháp, nghĩa lý, ngôn từ, biện giải vô ngại) là điều kiện lý tưởng để tuyên thuyết giáo pháp. Khi chưa thành tựu Bốn vô ngại giải hay liễu tri văn nghĩa, không vì thế mà không tận lực tuyên dương Chánh pháp, song cần phải tự biết mình để kiện toàn. Ngày nay, không ít người thuyết pháp vì không hiểu được tinh nghĩa Đại thừa nên vội vàng quy kết là phi Phật pháp. Trừ những ai chứng đạt Bốn vô ngại giải, còn hàng phàm phu thì nên cẩn trọng, thiết nghĩ đó cũng là vấn đề cần lưu tâm của mỗi người con Phật, trong bối cảnh hoằng pháp hiện nay.
BA VIỆC TRỌNG YẾU CỦA NGƯỜI TU
Một thời, Thế Tôn trú tại Vesàli, dạy cá Tỷ kheo:
Có ba việc này, này các Tỷ kheo, một nông phu cần phải làm trước. Thế nào là ba?
Người nông phu trước hết phải khéo cày bừa. Cày bừa xong người ấy gieo hạt đúng thời. Gieo hạt đúng thời xong người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, này các Tỷ kheo, một nông phu cần phải làm trước.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có ba công việc này, một Tỷ kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba?
Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ba việc này, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải làm trước.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Sa môn, phần Nghề nông [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.416)
LỜI BÀN:
Mỗi người đều có vô vàn công việc, từ chuyên môn cho đến những chuyện vụn vặt, từ những việc làm có lợi ích thiết thực ngay hiện tại cho đến sẽ hữu ích trong tương lai….Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người với vai trò khác nhau phải xác định được những việc chính yếu cần làm ngay để hoàn thành trách nhiệm với tự thân và xã hội.
Với người nông dân thì vụ mùa bội thu là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực cày bừa, gieo hạt, chăm sóc….trước đó. Sau vụ mùa, người nông dân có thể làm một nghề tay trái nào đó để cải thiện, tăng thu nhập nhưng trong chính nhiệm vụ mà lơ là hoặc không tập trung cho công việc đồng áng thì không nên.
Đối với người tu Phật cũng vậy, thành tựu Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ là trọng tâm của sự nghiệp tu tập giải thoát, vì thế ba môn học vô lậu này phải được ưu tiên hàng đầu. Giới – Định – Tuệ là cốt tủy, xương sống của mọi pháp môn tu tập Phật giáo. Dù Phật giáo có vô lượng pháp môn nhưng nếu nhân danh tu tập theo Phật mà thiếu vắng hoặc trống rỗng về Giới – Định – Tuệ thì xem như đang ở bên ngoài Chánh pháp.
Mặc dù tinh thần phương tiện cho phép người tu tùy duyên thực hành mọi việc lành để lợi ích cho chúng sanh nhưng phải xác định rõ ràng giữa cứu cánh và phương tiện. Cứu cánh là giải thoát, tức thành tựu viên mãn về Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ. Tinh thần phương tiện đúng đắn của Phật giáo chính là thông qua phương tiện sẽ trui rèn ý chí, mài giũa nhân cách và làm hiển lộ cứu cánh nội tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, từ bi tràn đầy. Nếu vận dụng phương tiên trong quá trình tu học mà không đem đến “lợi mình, lợi người, lợi cả hai” lại còn tăng trưởng phiền não, ngã chấp, tham ái….thì chắc chắn đó không phải là phương tiện thiện xảo.
Việc đáng làm thì chưa làm hoặc làm chưa trọn, việc làm trước thì lại làm sau….phải chăng đây là điều mà những hành giả cần phải suy ngẫm trước vô vàn “Phât sự” bộn bề? Vì thế, xác định đúng vấn đề là chính yếu hay thứ yếu để thực hành là sự trạch pháp, một trong những yếu tố căn bản đưa đến thành công.
XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC XÂY THÁP
Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, bốn hạng người này xứng đáng để được xây tháp. Thế nào là bốn?
Như Lai, bậc A la hán xứng đáng được dựng tháp; vị Độc giác Phật xứng đáng được dựng tháp; đệ tử của Như Lai xứng đáng được dựng tháp; Chuyển luân thánh vương xứng đáng được dựng tháp.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, xứng đáng được dựng tháp.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phầm Sợ hãi phạm tội, phần Xứng đáng được dựng tháp, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.283)
LỜI BÀN:
Tháp là một kiến trúc đặc trưng trong quần thể kiến trúc chùa viện Phật giáo. Ngoài những ngôi tháp cao lớn thờ Phật, xá lợi Phật, kinh sách, pháp khí, còn có các tháp mộ thờ xá lợi hoặc an táng hài cốt của chư Tăng. Hiện nay, hầu hết các chùa viện trên thế giới và ở nước ta đều xây dựng tháp phụng thờ Tam bảo. Tháp và bi ký ngoài biệu tượng tôn giáo và tâm linh còn là những chứng tích lịch sử quan trọng.
Thời Thế Tôn còn tại thế, tuy chủ trương du hành, tu tập giải thoát, việc xây dựng tu viện phần lớn do hàng cư sĩ đảm trách nhưng Ngài quan tâm đến việc xây tháp và đã chỉ đạo đệ tử xây tháp phụng thờ xá lợi chư Thánh tăng như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phật, Kiều Đàm Di v.v…Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, việc xây tháp phụng thờ Tam bảo, nhất là thờ xá lợi Phật và chư Tăng là một trong những Phật sự quan trọng, truyền thống này vẫn được truyền thừa đến ngày nay.
Theo tuệ giác Thế Tôn, chỉ những người tu hành, đầy đủ phước đức và trí tuệ, là biểu tượng cao cả để cho hậu thế noi gương mới xứng đáng được xây tháp phụng thờ. Đức Phật và các bậc Thánh A la hán, những vị độc giác, chư Tăng và Chuyển luân vương (người có công đem lại hòa bình và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại) mới được xây tháp. Bảo tháp thờ Phật Pháp Tăng được xem trọng như bảo điện (chánh điện), là nơi cầu nguyện lễ bái của tín đồ và dĩ nhiên thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Ngày nay, một và chư Tăng không có di nguyện xây mộ tháp sau khi xả báo thân. Đó là tâm nguyện riêng của các Ngài, chúng ta luôn tôn trọng nhưng phải ý thức rằng quý ngài đầy đủ phước báo, xứng đáng được xây tháp để kính lễ và tôn thờ. Dẫu rằng tứ đại giai không, các pháp đều như huyễn nhưng trong phạm trù tương đãi của tục đế, bảo tháp là biểu tượng cao cả của Tam bảo, là kết tinh của sự nghiệp và công hạnh của một vị Tăng cho hàng hậu thế lễ bái, học tập và noi theo.
XUẤT GIA KHI TUỔI XẾ CHIỀU
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm?
Thật khó tìm được, này các Tỷ kheo, một người xuất gia lớn tuổi lại tế nhị; thật khó tìm một người xuất gia lớn tuổi có uy nghi tốt đẹp; thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi nghe nhiều; thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi thuyết pháp; thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi trì luật.
Này các Tỷ kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, phẩm Triền cái, phần Khó tìm được [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.432)
LỜI BÀN:
Thâm niên trong cửa thiền là một trong những điều kiện cần để thấm nhuần giáo pháp, un đúc và kiện toàn những phẩm chất cần thiết của một người xuất gia. Vì thế, hàng đồng chơn (tuổi trẻ) xuất gia luôn là niềm hy vọng cho đạo pháp và thực tế cho thấy đa phần các cao tăng đều xuất gia khi tuổi đời còn rất trẻ.
Vậy nên khi lớn tuổi mới đủ duyên xuất gia, nỗ lực ấy thật đáng trân trọng song phải phấn đấu, cố gắng thật nhiều. Bởi tập khí cuộc đời in sâu vào tâm thức như tấm vải ố bụi trần, sẽ rất khó để nhuộm thành màu như ý nếu không chuyên cần tẩy rửa tinh sạch. Vì thế, có không ít thách thức chờ đợi người xuất gia lớn tuổi…..
Trước hết là sự tế nhị tức độ mềm dẻo, chín chắn đến thuần thục biểu lộ ra hành xử bình thường trong đời sống hằng ngày. Chấp nhận làm sư đệ, ở vị trí thấp, ngồi sau và nhất là phải kính trọng, phục tùng, học tập hàng sư huynh chỉ đáng tuổi em, cháu mình là điều không đơn giản. Khá nhiều người xuất gia lớn tuổi chưa vượt qua được của ải này. Kế đến là chuyển hóa tập khí để có được sự đĩnh đạt mà thanh thoát, nghiêm trang mà dung dị, nhẹ nhàng nhằm thành tựu uy nghi một cách tự nhiên cũng là điều khó. Dấu ấn thế gian hằn sâu vào nét mặt, lời nói, tiếng cười và cả mỗi bước chân đi…..khiến người có kinh nghiệm dễ dàng nhận ra “chưa thấm tương chao”, dù “ngài” nào cũng lần tràng hạt hay diện cả áo vàng sáng rực.
Càng khó hơn cho người xuất gia lớn tuổi nhằm thành tựu học rộng, nghe nhiều, thuyết kinh, giảng pháp và trì giới vì lực bất tòng tâm. Sức khỏe, ý chí và nhất là tập khí làm chướng ngại sự chuyển hóa không ít. Do vậy, hơn ai hết, những người xuất gia khi tuổi về chiều phải thấy rõ duyên nghiệp của mình để khắc phục, vươn lên.
Xuất gia vốn là con đường hẹp, càng hẹp hơn cho người luống tuổi. Trong các đại giới đàn hiện nay, không ít các cụ Sa di và Tỷ kheo xúng xính trong những bộ y vàng. Đây cũng là một tín hiệu lành cho xã hội và đạo pháp nếu chư vị biết nhìn lại mình để phấn đấu nhiều hơn.
HOÀN TỤC
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni nào, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, có năm vấn đề hợp pháp để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm?
Trong Thầy (vị ấy nghĩ) không có lòng tin đối với các thiện pháp, trong Thầy không có lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp, trong Thầy không có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, trong Thầy không có tinh tấn đối với các thiện pháp, trong Thầy không có trí tuệ đối với các thiện pháp.
Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni nào, này các Tỷ kheo, từ bỏ họ pháp, trơ lui đồi sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp này để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phầm Sức mạnh hữu học, phần Học pháp [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.309)
LỜI BÀN:
Xuất gia là phát nguyện đi theo con đường Thánh, lộ trình ấy thường được gọi là nghịch lưu. Bởi không xuôi theo những cám dỗ đam mê của thế thường nên người sơ tâm phải đối diện với vô vàn khó khăn trước tình cảnh phước mỏng, nghiệp dày. Với thách thức này, không phải người xuất gia nào cũng dễ dàng vượt qua nên có người phải trở về rồi quay lại hoặc về hẳn làm người con Phật tại gia, tu thân và học pháp.
Không còn tiếp tục con đường xuất gia, trở về đời sống cư sĩ tại gia là chuyện rất bình thường. Đôi khi, hoàn tục là điều hay cho những ai nhận thấy sức mình không kham nổi hoặc thối thất chí nguyện ban đầu hay gặp những hoàn cảnh xảy ra ngoài ý muốn. Thời Thế Tôn tại thế, nhiều vị xuất gia đã hoàn tục, dù có quở trách ít nhiều song hầu hết Phật đều tùy thuận. Bởi Ngài thấu rõ duyên nghiệp mỗi người và nhất là tu tập hoàn toàn dựa trên nền tảng tự nguyện, mọi sự ép uổng sẽ không đem lại kết quả mà đôi khi còn phản tác dụng.
Với bất cứ hoàn cảnh nào, người con Phật cũng cần quán sát nguyên nhân. Khi đã thấy rõ duyên khởi của vấn đề thì chúng ta không trách cứ hay phàn nàn về ai cả. Do thầy tổ không quan tâm, do huynh đệ không đùm bọc, do Phật tử không ủng hộ ư? Điều quan trọng nhất phải nhận ra là do mình. Dấn thân bước tới, dừng lại hưởng an nhàn hay thoái lui hoàn tục, xét cho cùng cũng do mình tự quyết định. Vì thế, nếu trách trước phải nên tự trách mình.
Cố nhiên hoàn tục là thối thất trong sự nghiệp xuất gia nhưng điều quan trong là chúng ta nhìn nhận vấn đề như thế nào và bản thân người hoàn tục nhận thức ra sao về trách nhiệm của mình với Đạo pháp? Đâu đó vần còn những nhìn nhận, đánh giá thiếu cảm thông và nhất là chưa có giải pháp thỏa đáng cho những vị đã hoàn tục có điều kiện tiếp tục cống hiến xây dựng ngôi nhà Phật pháp. Điều này thiết nghĩ cũng là thao thức, trăn trở của tất cả những nguời con Phật trong bối cảnh hiện nay.
KHÓ LÀM
Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Maghadha, làng Nàlaka. Rồi du sĩ Jambukhàdaka đi đến, sau khi chào đón hỏi thăm và nói với Tôn giả Sàriputta:
Này hiền giả Sàriputta, trong Pháp – Luật này cái gì là khó làm?
Xuất gia này Hiền giả, là điều khó làm trong Pháp – Luật này.
Đối với người đã xuất gia, này Hiền giả Sàriputta, cái gì là khó làm?
Đới với người đã xuất gia, này Hiền giả, hoan hỷ là điều khó làm.
Này Hiền giả Sàriputta, đối với người đã hoan hỷ, cái gì là khó làm?
Này Hiền giả, đối với người đã hoan hỷ, điều khó làm là sự thực hành đúng pháp và tùy pháp.
Có lâu không, này Hiền giả Sàriputta, một người đã thực hành đúng pháp và tùy pháp có thể thành vị A la hán?
Không lâu, này Hiền giả.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 4, Tương ưng Jambukhàdaka, phần Khó làm, NXB Tôn Giáo 2001, tr.416)
LỜI BÀN:
Trong nỗ lực hướng thiện của tự thân chắc chắn có nhiều việc khó làm nhưng có lẽ khó nhất là phát tâm xuất gia. Vượt qua những ràng buộc về thế thường, phát nguyện sống thanh bần thong dong tự tại, dấn thân vì thượng cầu hạ hóa là điều mà không phải ai cũng hội đủ duyên lành để thực hiện trọn vẹn.
Tuy khó là nhưng xuất gia chỉ mới ở trong giai đoạn đầu. Bởi ngoài việc ra khỏi căn nhà thế tục, người xuất gia phải cố gắng thật nhiều để thoát khỏi căn nhà phiền não và vượt qua vòng kềm tỏa sanh tử nơi nhà lửa tam giới. Trong đời sống xuất gia, khi nội lực của định tuệ chưa đủ thâm hậu để đạt đến sự vững chãi và an tịnh thì rất cần đế sự kham nhẫn. Chịu đựng, nhẫn nại, chấp nhận thực tại để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên đường tu một cách hoan hỷ, vui vẻ là điều không đơn giản.
Hoan hỷ là biểu hiện của một tâm lượng bao dung, tràn đầu tuệ giác và từ bi. Khi chưa đạt được hạnh phúc giải thoát của bậc Thánh, hoan hỷ là một trong những chất liệu tối cần để nuôi dưỡng thân tâm và giữ vững ý chí, tâm nguyện xuất gia ban đầu. Nếu đánh mất hoặc thiếu vắng sự hoan hỷ sẽ khiến cho tâm hồn trở nên cau có, khô cằn, chai sạn thậm chí có thể trơ lì, đông đặc hoặc phản ứng ngược lại trở thành mềm yếu, đa cảm, ủy mị và bi thương. Hoàn toàn chướng ngại cho tiến trình thăng hoa tâm linh nếu rơi vào những tâm lý thái cực này.
Một khi đã chấp nhận thực tại với tâm hoan hỷ thì việc cần làm và phải làm của người xuất gia là thực hành đúng pháp và tùy pháp. Chỉ có nương tựa và thực hành theo Chánh pháp mới có thể đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau, thoát ly sanh tử. Thế nhưng trong thực tế tu tập thì việc thực hành đúng pháp và tùy pháp lại vô cùng nan giải. Điều này tưởng chừng phi lý nhưng lại vô cùng hợp lý bởi quá trình vận động nghịch lưu với thác ghềnh nghiệp lực thì không phải lúc nào cũng như ý, muốn là được. Do đó, để thực hành đúng pháp và tùy pháp là cả một quá trình tu học bền bỉ và liên tục.
Nhờ đó, quả vị A la hán sẽ đến không lâu sau cho những ai thực hành đúng pháp và tùy pháp. Ngay đây, “sanh đã tận, lậu tận đã tận, gánh nặng đặt xuống….” những điều khó làm đã làm xong.
HÓA DUYÊN
Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo thân cận các gia đình, không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng và noi gương để tu tập. Thế nào là năm?
Vị ấy thân mật với người không thân tín, can thiệp vào việc không có thẩm quyền, ra vào với các phần tử chống đối, nói riêng một bên tai và xin quá nhiều.
Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo thân cận các gia đình, được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng và noi gương để tu tập. Thế nào là năm?
Vị ấy không thân mật với người không thân tín, không can thiệp vào việc không có thẩm quyền, không ra vào với các phần tử chống đối, không nói riêng một bên tai và không xin quá nhiều.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Andhakavinda, phần Đi đến các gia đình, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.529)
LỜI BÀN:
Trong bốn chúng đệ tử Phật, hàng cư sĩ có vai trò và vị trí quan trọng. Ngoài việc nương tựa chúng Tăng để tu học, những nam cư sĩ còn đảm trách sứ mạng hộ pháp. Vì thế, hàng cư sĩ áo trắng còn được gọi là những Cận sự của Tam bảo. Trong quan niệm của người Phật tử thì “Tăng đáo như Phật lai”, chư Tăng đến nhà như Phật đến. Thật vinh dự và hạnh phúc cho gia chủ khi lời thỉnh cầu thọ trai hoặc pháp sự được chư Tăng chấp nhận hay vì một duyên sự nào mà chư Tăng hiện hữu trong gia đình.
Đối với Tỷ kheo, vị xuất gia cầu giải thoát khi thân cận hàng Phật tử tựu trung không ngoài Phật sự, bi nguyện độ sanh. Vị Tỷ kheo đối với tín đồ phải là người thầy, bậc mô phạm để Phật tử quy ngưỡng, kính trọng và noi gương tu tập. Tuy nhiên, không phải vị Tỷ kheo nào thân cận với Phật tử cũng để lại ấn tượng tốt đẹp. Thảng hoặc đây đó trong hàng ngũ xuất thế, một vài Tỷ kheo sau khi tiếp cận với tín đồ không đem lại tịnh tín cho họ. Không chỉ không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng và noi gương để tu tập thậm chí còn làm suy giảm, thối thất niềm tin nơi Tam bảo.
Theo kinh nghiệm Thế Tôn, nếu không phải vì hóa duyên thì nên tránh xa những nơi ồn náo, tụ lạc. Khi có duyên sự phải đến nhà cư sĩ thì phải tránh năm điều: không thân mật với người không thân tín, không can thiệp vào việc không có thẩm quyền, không ra vào với các phần tử chống đối, không nói riêng một bên tai và không xin quá nhiều. Gặp đúng người, nói đúng việc, giữ vững uy nghi khi vào tư gia của Phật tử là điều bắt buộc đối với một vị Tỷ kheo. Đặc biệt là không nên vận động hay quyên góp quá nhiều, dù rằng việc làm này đem đến phước báo cho người Phật tử nhưng sẽ tốt hơn nên để họ phát tâm, tự lượng sức để ủng hộ, cúng dường mà không làm suy kiệt hoặc ảnh hưởng đến kinh tế.
Lân mẫn, thân cận để trợ duyên cho Phật tử tu học đồng thời giữ vững phong thái của một bậc thầy là trách nhiệm của vị Tỷ kheo. Hướng về giải thoát, làm đạo sư của trời người, vị Tỷ kheo phải tinh chuyên để hoàn thiện mình, xứng đáng làm nơi nương tựa cho hàng Phật tử quy ngưỡng, noi gương tu học.
THIỀN VÀ GIÁO
Một thời, Tôn giả Mahàcunda trú ở Cetì, tại Sahajàti. Tại đây, Tôn giả gọi các Tỷ kheo:
Này chư Hiền, một số Tỷ kheo chuyên tâm về Pháp không ưa thích các Tỷ kheo tu Thiền, nới như sau: “Những người này thiền cái gì? Thiền có lợi ích gì? Thiền như thế nào?”. Các Tỷ kheo chuyên tâm về Pháp không hoan hỷ và các Tỷ kheo tu Thiền cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người.
Ở đây, này các chư Hiền, một số Tỷ kheo tu Thiền không ưa thích các Tỷ kheo chuyên về tâm Pháp, nói như sau: “Họ tháo động, thất niệm, lắm lời….Những người này chuyên tâm về cái gì? Pháp có lợi ích gì? Chuyên tâm về pháp như thế nào?”. Các Tỷ kheo tu Thiền không hoan hỷ và các Tỷ kheo chuyên tâm về Pháp cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, phẩm Dhamika, phần Mahàcuda [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.124)
LỜI BÀN:
Trong vô lượng pháp môn tu mà Thế Tôn đã tuyên thuyết, tuy phong phú và đa dạng nhưng đều có một điểm chung, thuần nhất, đó chính là an lạc và giải thoát. Phương tiện thì tùy theo can cơ có vô vàn sai biệt nhưng cứu cánh Niết bàn chỉ có một, duy nhất.
Tu Thiền hay chuyên tâm về Pháp, Tông môn hoặc Giáo môn thảy đều là phương tiện và dĩ nhiên mỗi phương tiện đề có một đặc trưng riêng. Vì lẽ các pháp môn tu đều lưu xuất từ tuệ giác của Thế Tôn cho nên chắc chắn sẽ đưa hành giả đến giải thoát Niết bàn, như trăm sông đều xuôi về biển cả.
Tuỳ theo căn cơ, hoàn cảnh, nhân duyên…mà mỗi người con Phật tự chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp. Tuy các pháp môn phương tiện có nhanh chậm, khó dễ khác nhau nhưng pháp môn nào cũng thù thắng, đều đưa đến giải thoát và an lạc. Do đó, người tu ngoài nắm vững pháp môn của mình cần tìm hiểu để biết thêm về các pháp môn khác nhằm trợ duyên hay ít ra cũng tránh được việc chỉ trích, phê phán đồng đạo, những pháp lữ có nhân duyên với những pháp môn tu tập khác nhau.
Vì vậy, không thể quy kết, tự cho pháp môn của mình là tối thắng. Sự tối thắng, theo quan điểm của Thế Tôn, chính là sự thực hành trọn vẹn theo pháp môn đã chọn. Ngày nay, thảng hoặc vẫn còn sự “xung đột” về quan điểm tu tập giữa các tông phái (có thể vô tình hay cố ý xiểng dương tông phái của mình) là điều không nên có. Vì như lời Tôn giả Mahàcunda đã học được từ Thế Tôn: “Hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người”.
ĐẾN VỚI GIA CHỦ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Hãy giống như mặt trăng, này các Tỷ kheo, khi đi đến các gia đình, thân tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, chớ có đường đột xông xáo.
Này các Tỷ kheo, ví như một người nhìn cái giếng cũ, sườn núi dốc hay thác nước, thân tâm phải dè dặt, không có đường đột xông xáo.
Này các Tỷ kheo, các ông nghĩ thế nào một Tỷ kheo xứng đáng đi đến các gia đình?
Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy thế tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm sở y.
Này các Tỷ kheo, ví như bàn tay này giữa hư không, không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc. Cũng vậy, vị Tỷ kheo đi đến các gia đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng: “Những ai muốn được lợi, hãy được lợi! Những ai muốn công đức, hãy làm các công đức!”
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 5, phần Ví dụ với tăng [trích], VNCPHVN ấn hành 1993, tr.341)
LỜI BÀN:
Đời sống xuất gia, tuy bản chất là ly dục song thực tế luôn gắn liền với con người và cuộc đời. Khất thực để nuôi thân mạng và tùy duyên thuyết pháp độ sanh là nhiệm vụ của mỗi Tỷ kheo. Do đó, đi đến mỗi gia chủ vào mỗi buổi sáng hàng ngày đối với các Tỷ kheo là tất yếu.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ đến với gia chủ với thái độ và cung cách thế nào? Thật tuyệt vời khi Thế Tôn dùng hình ảnh mặt trăng để biểu thị cho sự quan lâm của Tỷ kheo, phải thực sự mang đến ánh sáng, mát mẻ và yên bình cho mọi nhà.
Trước hết là sự dè dặt, không đường đột xông xáo, luôn chánh niệm tỉnh giác để mọi biểu hiện luôn tương hợp với oai nghi tế hạnh. Sự thận trọng trong từng cử chỉ, lời nói là điều tối cần thiết vì ngay nơi cung cách của Tỷ kheo đã phản ánh rõ nét sự an tịnh nội tâm, tư cách đạo đức và năng lực giáo hóa của chính vị ấy.
Tiếp đến, vị Tỷ kheo khi đến với gia chủ với tâm thái buông xả, như bàn tay mở giữa hư không. Đành rằng, khất thực là xin ăn, nhưng không đơn thuần là nhận mà trong đó còn cho, cho rất nhiều bằng cách ban tặng giáo pháp. Do đó, luôn ý thức để tự làm chủ trong tinh thần muốn ít và biết đủ, không để cho danh lợi cám dỗ, sanh khởi tham ái. Nhờ đó, vị Tỷ kheo không bị vướn mắc, chẳng bị trói buộc.
Vì thế, muốn xứng đáng để đi đến các gia đình, nhằm giáo hóa và làm mô phạm cho hàng Phật tử, người con Phật xuất gia phải tụ rèn luyện mình, trong sáng như mặt trăng, buôn xả như bàn tay mở giữa hư không, tự tại và giải thoát.